HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Chức năng nhiệm vụ
Chức năng, nhiệm vụ
Tin tức & Sự kiện
Trang chủ  >  Tin tức & Sự kiện

HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU: MỘT SỰ KHỞI ĐẦU MỚI TẠI VIỆT NAM

Supervisor/ Giáo viên hướng dẫn: Ms. Prerna Lal – OT Dept, MCHP, MAHE,India

Students/Sinh viên: Nguyễn Thị Tuyết Ngân & Vũ Thị Loan

Cuộc sống của chúng ta đều cần đến hoạt động trị liệu (HĐTL) nhưng không phải tất cả chúng ta đều hiểu đầy đủ HĐTL là gì. Hoạt động trị liệu là một chuyên ngành khoa học sức khỏe lấy khách hàng làm trung tâm. Chuyên ngành này chú trọng vấn đề nâng cao sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh thông qua hoạt động. Mục tiêu chủ yếu của hoạt động trị liệu là giúp người bệnh có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Kỹ thuật viên (KTV) hoạt động trị liệu đạt được điều này bằng cách làm việc với người bệnh và cộng đồng để nâng cao khả năng tham gia các hoạt động mà họ muốn thực hiện, có nhu cầu thực hiện, hoặc người khác mong đợi họ thực hiện, hoặc bằng cách điều chỉnh hoạt động hoặc môi trường để hỗ trợ họ tham gia hoạt động tốt hơn.(WFOT, 2012). Như vậy kỹ thuật viên HĐTL làm việc và can thiệp cho người mắc các vấn đề về thể trạng, quá trình phát triển thể chất và hoàn thiện chức năng, các vấn đề xã hội hay các vấn đề về tâm lý phát sinh… để cung cấp sự giúp đỡ cần thiết trong quá trình xây dựng lối sống độc lập, nâng cao năng suất lao động và đạt được các mức độ hài lòng trong đời sống cũng như trong cộng đồng ở mọi lứa tuổi, mọi thành viên, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp hay tầng lớp xã hội.

Hoạt động trị liệu có một lịch sử lâu đời phát triển và phổ biến tại các quốc gia như: Mỹ (1917), ở Úc (1944), Ấn Độ (1951), Nhật Bản (1963)… Trong tương lai, HĐTL được coi như là một ngành nghề tiềm năng ở hầu hết các quốc gia khi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu khuyết tật và giảm khả năng được chú trọng. Theo Tờ Tin tức Mỹ và bản tin thế giới năm 2018, HĐTL xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng 100 nghề nghiệp tốt nhất theo. KTV HĐTL có thể làm việc trong các môi trường đa dạng như: bệnh viện, phòng khám, trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm phục hồi chức năng, các trường đại học, cao đẳng y khoa, cộng đồng, nhà máy, các tổ chức phi chính phủ, dịch vụ tại nhà… Đối tượng hướng tới của HĐTL bao gồm : trẻ em, người lớn, người lao động, người cao tuổi-những người có nhu cầu điều trị HĐTL. KTV HĐTL hỗ trợ người bệnh tạo nên sự khác biệt thực tế trong cuộc sống hàng ngày của chính người bệnh bằng các hoạt động có ý nghĩa đối với bản thân người bệnh (cũng như với gia đình và xã hội) và giúp người bệnh đạt được khả năng tối đa trong việc xây dựng một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc.

Những KTV đươc đào tạo và sử dụng đa dạng các kỹ thuật, các phương pháp kỹ thuật khoa học nhằm tác động vào 3 yếu tố chính: môi trường, hoạt động và con người. Hoạt động mang nghĩa là tất cả mọi thứ chúng ta “LÀM” trong suốt quỹ thời gian của chúng ta, môi trường là toàn bộ bối cảnh chúng ta “SỐNG”, con người ở đây chính là bản thân “CÁ NHÂN” chúng ta. KTV HĐTL sử dụng đa dạng các phương pháp kỹ thuật như: thiết kế giảm thiểu các chướng ngại vật bên trong và bên ngoài ngôi nhà, huấn luyện các kỹ năng cần thiết cho chức năng sinh hoạt hằng ngày, nâng cao sức khỏe, thiết kế và sản xuất nẹp chức năng, xây dựng môi trường thích nghi hay các hoạt động phù hợp theo khả năng của bệnh nhân, giúp đỡ người bệnh thực hiện hoạt động chức năng một cách độc lập và đạt được tối đa sự hài lòng về bản thân trong cuộc sống hằng ngày.

Cần phân biệt “Hoạt động trị liệu” với“ Vật lý trị liệu” (VLTL). Tổng quan thì 2 chuyên ngành này có vẻ giống nhau, đều là chân kiềng của phục hồi chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế thì 2 chuyên ngành này rất khác nhau , khác nhau cả về thuật ngữ tên chuyên ngành bên ngoài (HĐTL và VLTL) cho đến phương pháp trị liệu và kết quả điều trị hướng tới cho người bệnh bằng những phương pháp trị liệu chuyên biệt – mang đặc trưng của chuyên ngành HĐTL.

Để góp phần làm sáng tỏ vai trò của VLTL và HĐTL trong điều trị, chúng tôi đưa ví dụ minh họa về trường hợp của chị Mai và mục tiêu điều trị của chị:

“Chị Mai là nhân viên ngân hàng, công việc hàng ngày của chị yêu cầu tiếp xúc trực tiếp với máy vi tính, tính toán và đón tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền tệ với khách hàng. Một ngày làm việc của chị kéo dài 8 tiếng và cộng thêm 3 tiếng để hoàn thành các công việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ và tiền tệ trong ngày. Chị Mai sống trong ngôi nhà nhỏ cùng với chồng chị và 2 con, bé trai 2 tuổi và bé gái 6 tuổi. Hằng ngày sau khi kết thúc công việc, chị trở về nấu ăn cho cả gia đình, chăm sóc các con, dọn dẹp nhà cửa…. Ngày mới bắt đầu với chị từ lúc 5.30 sáng và kết thúc vào lúc 11.30 tối. Chị Mai có sở thích nấu ăn, vui chơi cùng các con và đi mua sắm với bạn bè, tuy nhiên với thời gian biểu dày đặc chị không có đủ thời gian cho những sở thích đó. Chị cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng (stress) với cường độ áp lực công việc và gia đình đan xen. Tại nơi làm việc, chị phải giải quyết các vấn đề liên quan đến khách hàng và các mối liên quan với đồng nghiệp khác. Ở nhà, đôi lúc chị gặp khó khăn và stress giữa chăm sóc gia đình, con cái, nhà cửa. Kết quả là, chị Mai cảm thấy bối rối, hỗn loạn thậm chí muốn gây lộn với mọi người xung quanh,cảm xúc buồn phiền chiếm chỗ khi chị không thể cân bằng được giữa cuộc sống công việc và chăm lo gia đình. Stress kéo dài làm chị không thể hoàn thành vai trò như một người vợ, người mẹ tốt và một nhân viên ngân hàng xuất sắc cùng lúc như chị mong muốn. (Có một sự bấn loạn, mệt mỏi, bối rối không hề nhẹ trong chị lúc này).

Chị Mai gặp phải vấn đề đau nhức cơ thể do phải bế ẵm con trai nhỏ và ngồi làm việc lâu trong một tư thế. Chị đến gặp bác sĩ và được chuyển tới điều trị tại 2 khoa: Khoa VLTL và HĐTL. Tại khoa VLTL, chị được các KTV thăm khám lượng giá về mức độ đau của vùng cổ và lưng, lượng giá mức độ co thắt cơ, lực cơ của các vùng liên quan. Chị được chỉ định điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu: giảm đau, giảm co thắt, kéo giãn cơ bằng tay, các bài tập duy trì sức mạnh cơ và tăng khả năng vận động linh hoạt cho vùng cột sống cổ và thắt lưng.

Tại khoa HĐTL, có một số vấn đề cần được chú ý theo mong muốn của chị Mai bao gồm: thoải mái làm việc không stress, không kèm theo đau cổ và đau lưng; chị muốn nấu những bữa ăn ngon đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia đình – việc mà chị không thể làm bây giờ; chị cũng lên ý tưởng cả gia đình sẽ đi du lịch cùng nhau vào tháng tới để có nhiều thời gian chia sẻ cùng nhau. Chị Mai và KTV HĐTL đã cùng thảo luận và tìm ra phương án tốt nhất để giải quyết tình trạng của chị, KTV cung cấp một số phương pháp điều trị và giúp chị Mai lựa chọn các phương pháp tốt nhất mà chị có thể thực hiện được. Với mục tiêu, cải thiện tình trạng sức khỏe cho chị Mai, duy trì tư thế sinh hoạt đúng và phù hợp thông qua cải thiện môi trường làm việc, nhà cửa, các phương pháp bảo tồn năng lượng hay các bước thực hiện hoạt động một cách đơn giản hơn. Chị Mai được hướng dẫn một số kỹ thuật quản lý thời gian và phương pháp thư giãn như: lập thời gian biểu hàng ngày, sắp xếp và lựa chọn công việc ưu tiên, đọc một quyển sách thật sự yêu thích, tìm kiếm công thức nấu ăn một món ăn mới lạ vào ngày cuối tuần… Chồng chị cũng đã được tư vấn và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ chị giảm tải áp lực công việc hằng ngày. Kết quả chị Mai cảm thấy thoải mái hơn, duy trì được hạnh phúc, sự hài lòng khi chị có thể cân bằng giữa gia đình và công việc, có thời gian chăm sóc gia đình và thực hiện sở thích cá nhân.

HĐTL được coi như một lĩnh vực tương đối còn mới tại Việt Nam được đánh dấu bằng việc 5 giảng viên đi học Thạc sĩ về Hoạt động trị liệu tại Ấn Độ và đào tạo cử nhân Phục hồi chức năng (chuyên ngành Hoạt động trị liệu) đầu tiên tại trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương và Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 với tài trợ của Ủy ban y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) và sự hỗ trợ của giảng viên trường đại học Manipal (Ấn Độ) cùng các tình nguyện viên của Nhật Bản, Australia, Mỹ.. . Kết thúc khóa đào tạo, các chuyên gia Hoạt động trị liệu đầu tiên này sẽ là nhân lực quan trọng trong mạng lưới Hoạt động trị liệu tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam.

Số lượt đọc:  645  -  Cập nhật lần cuối:  30/07/2019 03:27:06 PM
Hỏi /Đáp với khoa
Đã xảy ra lỗi: không có quyền xem thông tin tại phần này!