HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Trang chủ  >  Tin tức
Đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo nguồn nhân lực Y tế, đáp ứng nhu cầu xã hội

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được thành lập tháng 7 năm 2007, Trường phát triển từ một Trường Trung cấp, lên Cao đẳng rồi lại lên Đại học dựa trên một nền tảng vững chắc và bề dày kinh nghiệm trong đào tạo Điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế của hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Đặc biệt trong 5 năm qua, Trường đã có những bước phát triển đột phá như sớm xác định được sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, xây dựng và tái cấu trúc chương trình giáo dục Điều dưỡng và Kỹ thuật y học ở trình độ đại học và cao đẳng đảm bảo sự liên thông, biên soạn được nhiều tài liệu dạy học trình độ đại học, tiên phong đột phá đào tạo theo học chế tín chỉ cho ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật y học ở trình độ đại học, cao đẳng từ năm học 2010 - 2011, xây dựng chương trình và triển khai đào tạo điều dưỡng dựa trên năng lực, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa,cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy - học…, được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo ghi nhận, đánh giá cao, chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn giữ vững, được các đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc ghi nhận và ưu tiên tuyển chọn.
Bên cạnh những thành tựu trong đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng - kỹ thuật y học, còn bộc lộ những điểm yếu sau:
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, tư tưởng và thói quen bao cấp còn nặng nề, thiếu động lực tự học và đổi mới, thiếu phương pháp sư phạm, chưa theo kịp với sự đổi mới về chương trình và phương pháp đào tạo; năng lực chuyên môn của nhiều giảng viên còn chưa tương xứng với bằng cấp, thiếu kinh nghiệm thực tế lâm sàng, một bộ phận giảng viên và cán bộ quản lý thiếu tâm huyết, trách nhiệm, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp;
Chương trình đào tạo vừa thừa, vừa thiếu, chưa theo năng lực, phương pháp dạy - học phần lớn còn thụ động, phương pháp lượng giá chưa chuẩn hóa, chưa lượng giá quá trình, chưa đánh giá theo năng lực, thiếu tài liệu dạy - học, thư viện…
Một bộ phận sinh viên thiếu tự giác, tự trọng trong học tập, số lượng sinh viên đông, khó giám sát được quá trình học tập và rèn luyện, nhất là sinh viên ngoại trú và khi đi thực tập lâm sàng;
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, mặt bằng của cơ sở đào tạo chưa đủ tiêu chuẩn, kiến trúc chưa phù hợp với giáo dục toàn diện, cơ sở thực thành, thực tập chưa chuẩn mực, chưa đảm bảo môi trường giáo dục chuẩn trong khi đó công tác quản lý, thanh tra, giám sát chưa chặt chẽ.
Chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ còn bất cập, tuyển chọn cán bộ mới dựa vào bằng cấp, chưa dựa vào năng lực, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp với đội ngũ giảng viên, đặc biệt giảng viên là bác sỹ.

Từ những vấn đề trên, hậu quả là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu xã hội, không hội nhập được với các nước trong khu vực. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đòi hỏi đào tạo phải đột phá, đổi mới căn bản và toàn diện, chuyển hướng đào tạo dựa trên năng lực và thực hành dựa vào bằng chứng. Muốn vậy, phải lấy người học làm trung tâm, mọi hoạt động phải hướng về người học, đào tạo theo nhu cầu xã hội, lấy việc nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ y tế sau khi ra trường là vấn đề quyết định chất lượng đào tạo, chỉ như vậy mới đáp ứng được mong đợi của người học và các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo được chuẩn đầu ra của ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật y học và Y đa khoa mà Trường đã cam kết với xã hội.
Vấn đề là chúng ta cần đổi mới từ đâu? Trước hết cần tập trung sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đổi mới tư duy nhận thức trong đào tạo và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo để thay đổi, muốn quản lý tốt, trước hết phải tập trung vào vai trò của người đứng đầu, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, thường xuyên tự đánh giá đảm bảo chất lượng đào tạo trong từng đơn vị và nhà trường và tiếp tục xiết chặt việc đánh giá, kiểm tra, thi cử. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, tiến tới giảng viên đại học phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, được đào tạo theo chuyên ngành, có nghiệp vụ sư phạm, tâm huyết với nghề, khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Đổi mới chương trình giáo dục từ cách tiếp cận nội dung, mục tiêu sang cách tiếp cận dựa vào năng lực. Trên cơ sở tham khảo chương trình của các nước tiên tiến và tiêu chuẩn năng lực cần có của người bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhanh chóng tái cấu trúc lại chương trình theo hướng tích hợp, lồng ghép và hệ thống, tránh kiểu “băm, chặt”, xé lẻ và trùng lắp, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học & công nghệ tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu mô hình sức khỏe và cơ cấu bệnh tật hiện nay để tập trung đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho sát hợp, phù hợp với văn hóa, đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể mà xã hội yêu cầu. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, nhà quản lý và nhà sử dụng nguồn nhân lực và các hội nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cung ứng dịch vụ y tế đảm bảo hiệu quả, đúng luật và an toàn;
Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, đào tạo theo học chế tín chỉ, tạo sự mềm dẻo, đảm bảo sự liên thông, tăng tính chủ động của sinh viên, đạt hiệu quả cao trong quản lý học tập, khuyến khích sinh viên giỏi rút ngắn thời gian học tập. Đổi mới mạnh mẽ quan niệm và phương pháp dạy - học theo hướng khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, lấy sinh viên làm trung tâm, hỗ trợ sinh viên học được dễ dàng hơn, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học, giúp cho người học chuyển từ quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, học kết hợp với hành. Một điều đáng chú ý là chúng ta mới chỉ chú trọng tới đào tạo “phần cứng” kỹ năng nghề nghiệp mà còn xem nhẹ những kỹ năng mềm, đặc biệt chưa coi trọng giáo dục y đức cho HSSV đang học ở trường, chưa quan tâm tới đào tạo những kỹ năng như kỹ năng sống, tư duy phản biện, kỹ năng học tập, nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp ứng xử, …; tăng cường công tác quản lý HSSV, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác.
Đổi mới phương pháp lượng giá với tinh thần học thật, thi thật, đánh giá bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác và công bằng, phối hợp nhiều hình thức lượng giá khác nhau để đánh giá kết quả học tập của sinh viên, chú trọng việc đánh giá theo năng lực, theo chuẩn đầu ra của ngành đào tạo. Coi trọng việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các tình huống thực tế của nghề nghiệp, giúp sinh viên học từ những cái sai, những vấn đề thất bại trong nghề nghiệp. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học. Tăng cường sự phối hợp với các cơ sở y tế trong việc lượng giá, đánh giá sinh viên và lắng nghe những ý kiến tư vấn, phản biện quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo.
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đương với bệnh viện hạng I, đặc biệt là xây dựng các cơ sở đào tạo tiền lâm sàng. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình đề án, dự án trong nước và dự án ODA, xây dựng các phòng thực hành theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và phù hợp cho việc dạy - học theo năng lực. Thực hiện tốt việc kết hợp viện trường trong đào tạo nhân lực y tế theo quy định thống nhất của Bộ Y tế. Khai thác khả năng của các bệnh viện, các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học để kết hợp với Nhà trường trong đào tạo và đào tạo liên tục.
Thực hiện cơ chế tự chủ trong nhà trường, tiến tới thành lập và đưa Hội đồng trường vào hoạt động; đổi mới cơ chế, chế độ sử dụng, đãi ngộ, thù lao theo năng lực và hiệu quả công việc đối với cán bộ, viên chức nhằm nâng cao thu nhập, tạo động lực thúc đẩy tinh thần hăng say, toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự phát triển của nhà trường, quan tâm đào tạo, thu hút và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao; đổi mới cơ chế tuyển dụng theo hướng chuẩn hóa, tạo điều kiện toàn diện để cán bộ giảng viên phát huy năng lực, trí tuệ trong hoạt động chuyên môn... Mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, các hội nghề nghiệp với các tổ chức trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, học tập, hợp tác lẫn nhau trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, cùng nhau phát triển theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế và đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK cho nhân dân, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,hiện đại hóa trong điều kiện kinh tê thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.



GS.TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế phát biểu ý kiến
tại hội thảo Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo của các trường Y, Dược Việt Nam
do Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương


TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính
Số lượt đọc:  20359  -  Cập nhật lần cuối:  03/12/2013 07:40:20 AM
Tin mới: