Năm 2010, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng toàn Trường đã chung sức, đồng lòng, đoàn kết, vượt khó, sáng tạo hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ năm 2010 mà tiêu biểu là 10 sự kiện nổi bật:
1) Thực hiện đa dạng hoá trong đào tạo (hoàn thành chương trình đào tạo liên thông Trung cấp lên Đại học; đào tạo văn bằng II Trung cấp Xét nghiệm, Kỹ thuật Hình ảnh; đào tạo và cấp chứng chỉ 6 tháng Điều dưỡng Nha, Điều dưỡng Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng tiết chế);
2) Triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ;
3) Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XX nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đại hội điểm của Thành ủy Hải Dương, được Thành ủy và các chi đảng bộ bạn đánh giá cao sự thành công của Đại hội;
4) Tổ chức Hội nghị khoa học, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Nhà trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì trang trọng, ấn tượng (phát hành Logo, phim tài liệu, Tập sách giới thiệu về Trường, tuyển tập Thơ, 03 ca khúc về Trường và xuất bản 2 tập kỷ yếu công trình khoa học);
5) Xây dựng cổng thông tin điện tử, đổi mới phần mềm quản lý đào tạo”;
6) Hoàn tất công tác chuẩn bị xuất bản "Bản tin Kỹ thuật y học" của Trường;
7) Triển khai Trung tâm Thận nhân tạo để đưa vào hoạt động theo hình thức xã hội hóa;
8) Dự án đầu tư xây dựng phát triển Trường giai đoạn II (2011 - 2015) đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt;
9) Hoàn thành vai trò Trưởng khối thi đua và Trưởng Ban Liên lạc các nhà quản lý khối các trường chuyên nghiệp khu vực Hải Dương;
10) Hợp tác với Trường Đại học Điều dưỡng quốc gia Nhật Bản về việc tổ chức cho 100 sinh viên đến Hải Dương thực tập Điều dưỡng quốc tế;
Năm 2010, trường Đại học Kỹ thuật Y tế hải Dương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, có nhiều tập thể xuất sắc, tiêu biểu như Phòng Đào tạo, Bộ môn Điều dưỡng, Bộ môn Xét nghiệm, Bộ môn VTLT/PHCN, 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 01 Thầy thuốc ưu tú, 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 cá nhân được Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND tỉnh Hải Dương, Công đoàn Y tế Việt Nam và Trung ương Đoàn tặng bằng khen
Bước vào năm 2011, chúng ta còn nhiều việc phải làm, còn biết bao niềm trăn trở, trong khi đó phải tập trung giải các bài toán, đó là: Năng lực thực sự của đội ngũ giảng viên, viên chức chưa theo kịp sự phát triển của Nhà trường, đặc biệt là năng lực thực hành, sự tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ… còn nhiều hạn chế; Việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ quản lý còn chậm, trong khi hàm lượng chất xám của nhà trường ngày càng tăng, trình độ dân trí cao, dân chủ mở rộng và kỹ thuật CNTT phát triển thì vấn đề đổi mới công tác quản lý như thế nào? Khi Nhà trường giao quyền cho bộ môn quản lý giảng viên theo khối lượng công việc thì việc kiểm tra, đánh giá tính tự giác, việc thực hiện các quy trình và hiệu quả công việc ra sao? Tinh thần đoàn kết vượt khó, sáng tạo, chia sẻ, khắc phục khó khăn và mối quan hệ với các đơn vị để đảm bảo chất lượng đào tạo khi quy mô đào tạo tăng cùng với sự đa dạng hóa trong đào tạo? Bài toán về cơ chế, đặc biệt cơ chế tài chính, vấn đề nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vấn đề đời sống CBVC, HSSV, đặc biệt là sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức… còn bất cập, chưa thực sự tạo ra động lực giúp trường phát triển bền vững;
Bên cạnh những mâu thuẫn nêu trên thì chúng ta vẫn phải đối mặt với những tiêu cực của cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động, ảnh hưởng đến sự tâm huyết, đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên; ý thức học tập, tu dưỡng, sự dân chủ thái quá và cách ứng xử với thầy cô, bạn bè, lối sống thực dụng, buông thả của một số HSSV còn tồn tại, vấn đề tin nhắn nặc danh tung tin thất thiệt…v.v đây là những yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể xem thường. Nếu chúng ta không có niềm tin, không có sự đam mê, tâm huyết vì sự phát triển của Nhà trường mà bằng lòng “đứng yên” hoặc “đi chậm” để được “bình an” thì đồng nghĩa với sự tụt hậu và nguy cơ đe doạ rơi xuống vực.
Từ những đặc điểm, tình hình trên, để góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Điều dưỡng – Kỹ thuật viên y tế đáp ứng nhu cầu xã hội, năm 2011 và những năm tiếp theo, Trường tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, nâng dần số lượng phó giáo sư, trước hết đột phá vào việc học ngoại ngữ;định kỳ đánh giá lại năng lực của giảng viên theo chuẩn, đáp ứng nhiệm vụ của Trường, sớm chấm dứt hợp đồng với những cán bộ, giảng viên không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đổi mới công tác quản lý, tập trung vào lãnh đạo quản lý để thay đổi, lấy người học làm trung tâm; xây dựng chương trình đào tạo theo năng lực, thực hành dựa vào bằng chứng, đào tạo theo tín chỉ, mở mã ngàng đào tạo Cử nhân y tế công cộng, tham khảo và từng bước áp dụng chương trình đào tạo của các nước tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế, gắn đào tạo với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế, thường xuyên tự kiểm định chất lượng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo; mở rộng hợp tác quốc tế, có lộ trình tiến tới việc đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng xuất khẩu; tăng cường cơ cở vật chất, trang thiết bị; đổi mới cơ chế quản lý tài chính; công khai minh bạch về chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng viên, thu - chi tài chính và cơ sở vật chất; nâng cao đời sống CBVC và HSSV; lấy HSSV, bệnh nhân làm trung tâm; coi quy trình, chất lượng, hiệu quả công việc luôn là sự thách thức; mọi người phải thấy rằng sự tồn tại và phát triển của Nhà trường là sự tồn tại và phát triển của chính mình.
Những định hướng phát triển của Trường đã được xác định là phấn đấu đến năm 2020 trở thành Trường đào tạo đa cấp, đa ngành và là trường trọng điểm quốc gia về đào tạo kỹ thuật y học ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; phát triển Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trung tâm Kiểm nghiệm ATVSTP theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Nhà trường cam kết tạo cho người học một môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, minh bạch, văn hoá và có tính chuyên nghiệp cao. Đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực theo chuẩn, có đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ chuyên ngành và kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm và khả năng học tập suốt đời. Hợp tác, phát triển về đào tạo, nghiên cứu và thực hành với các cơ sở, theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế. Phát huy thế mạnh của Trường về đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật y học, cam kết cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đạt chuẩn, đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi và an toàn cho mọi người dân và cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả 8 giá trị cốt lõi: Đa cấp đa ngành, Hợp tác phát triển, Kỷ cương trách nhiệm, Thực hành chuyên nghiệp, Y đức - Lễ phép, Tư duy đổi mới, Học tập suốt đời và Dịch vụ chu đáo (Đ-H-K-T-Y-T-H-D) tạo ra động lực giúp trường phát triển nhanh và bền vững. Toàn trường tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới./.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu xã hội