HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Tin tức sự kiện

Nghề hộ sinh - vất vả nhưng vinh quang

Thiên chức quan trọng nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, để thực hiện thiên chức đó người phụ nữ phải trải qua quá trình thai nghén và sinh đẻ. Phần lớn việc mang thai và sinh đẻ là một quá trình sinh lý diễn ra tự nhiên, tuy nhiên trong một số trường hợp xảy ra những bất thường gây nguy hiểm tới tính mạng người mẹ và con. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có từ 5 - 7 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh đẻ, ước tính tỉ lệ này dao động khoảng 40-410/100000 ca đẻ sống. Tuy nhiên những biến cố tử vong đó có thể giảm được nếu làm tốt công tác y tế, trong đó vai trò người hộ sinh đặc biệt quan trọng.
Nói đến sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, chúng ta không thể không nói đến nữ hộ sinh, họ là người chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ, trong khoảng thời gian sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh. Đánh giá vai trò của họ, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định “…dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do điều dưỡng - hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của dịch vụ y tế”. Nữ hộ sinh là một cụm từ xuất phát từ các từ tiếng Anh “Midwifed”, từ thời Ai cập cổ đại 1900-1550 TCN, nữ hộ sinh là một nhân viên làm việc ở lĩnh vực y tế trong chăm sóc sức khoẻ sản khoa và phụ khoa đã được biết đến là một “bà đỡ” với nhiều danh hiệu khác nhau như: Y tá (iatrinē), nữ hộ sinh (Maia),… Đầu thế kỷ XIIX, ở Anh hầu hết trẻ em sinh ra do nữ hộ sinh đỡ. Ở Mỹ y tá - nữ hộ sinh được biết đến từ những năm 1925 trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Ở Canada, năm 1990 hộ sinh là một ngành nghề được qui định trong hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ…
Vai trò của nữ hộ sinh được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như: Chăm sóc toàn diện sức khoẻ người phụ nữ, chăm sóc bà mẹ thời kỳ trong thời giam mang thai, chăm sóc quá trình chuyển dạ - sinh đẻ, chăm sóc sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, cung cấp các dịch vụ tư vấn y tế, phòng bệnh, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh…
Vai trò của nữ hộ sinh tuỳ thuộc vào vị trí nơi họ công tác, nếu họ làm việc bệnh viện phụ sản, khoa sản, trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nhà hộ sinh thì công việc của họ là thực hiện các bước khám thai thường qui, tư vấn trước sinh cho thai phụ như: ăn uống, sinh hoạt, chế độ làm việc, nghỉ ngơi nhằm nâng cao sức khoẻ của người phụ nữ, hướng dẫn-giúp đỡ thai phụ làm một số xét nghiệm theo y lệnh của bác sĩ, họ phát hiện những những rối loạn sinh lý thông thường và đề ra những kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng trường hợp những rối loạn, kịp thời thông báo cho bác sĩ, phối hợp trong quá trình điều trị. Vai trò hộ sinh trong phòng đẻ, họ là người trực tiếp theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản cho thai phụ, họ cảm thông chia sẻ tạo cảm giác an toàn cho thai phụ, và cùng giúp thai phụ vượt qua cuộc chuyển dạ một cách toàn vẹn. Do thời gian tiếp xúc, chăm sóc thai phụ thường xuyên, nên người hộ sinh là người phát hiện những biến chứng, những dấu hiệu bất thường sớm nhất để báo cáo với bác sĩ, từ đó giúp phát hiện và xử lý kịp thời những tai biến xảy ra cho thai phụ, hạn chế được tử vong. Họ là trực tiếp đỡ đẻ những ca thông thường, thực hiện một số thủ thuật liên quan đến cuộc đẻ như cắt khâu tầng sinh môn, khâu những vết rách âm hộ - âm đạo đơn giản; chuẩn bị, phụ giúp bác sĩ trong những trường hợp đẻ khó, thủ thuật phức tạp. Trong phòng hậu sản, họ là người chăm sóc nhằm duy trì, phục hồi và nâng cao sức khoẻ cho người phụ nữ sau sinh, theo dõi sát sản phụ phát hiện những biến cố để kịp thời thông báo cho bác sĩ ra y lệnh, công việc của họ có thể làm việc độc lập hoặc phối hợp với đồng nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người sản phụ về thể chất, tinh thần, văn hoá, xã hội; Tư vấn kế hoạch hoá gia đình sau sinh, hướng dẫn sản phụ cho con bú, giúp sản phụ phát hiện những bất thường, theo dõi và chăm sóc trẻ sơ sinh trong thời gian nằm viện. Có thể nói hộ sinh là chuyên gia trong chăm sóc thai kỳ bình thường và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, bác sĩ là chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật và điều trị bệnh lý; Hai ngành đó bổ sung cho nhau và tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh trong chăm sóc sức khoẻ phụ nữ từ khi dậy thì đến sau mãn kinh.
Trong cộng đồng, người nữ hộ sinh có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh, không chỉ cho người phụ nữ mà còn trong các gia đình và cộng đồng, chăm sóc liên quan đến sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa hàng năm, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc mãn kinh, công việc này bao gồm giáo dục tiền sản, chuẩn bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho người phụ nữ trước khi làm mẹ. Họ còn được phép làm một số thủ thuật sản khoa thông thường như: Hút điều hoà kinh nguyệt, đặt dụng cụ tránh thai, khám phát hiện viêm nhiễm phụ khoa… vai trò đó đặc biệt quan trọng ở những nơi chưa có bác sĩ. Ở trình độ cử nhân, nữ hộ sinh còn có vai trò là người nghiên cứu và là người lãnh đạo quản lý, phát triển kiến thức cũng như kỹ năng tay nghế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ.
Theo thống kê năm 2008 của Bộ Y tế, cả nước có hơn 80 ngàn điều duỡng, hộ sinh với 7,5% ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 82% có trình độ trung cấp và khoảng 10,5% trình độ trung cấp. Hướng tới mục đích nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chuyên ngành sản phụ khoa Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương từng bước hoàn chỉnh đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, có năng lực thực hành cao; giảng viên chuyên ngành sản phụ khoa có trình độ đại học trở lên là 100%, trong đó có 01 tiến sĩ, 03 thạc sỹ; kế hoạch bộ môn đề ra và thực hiện đến năm 2005 sẽ có 03 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, toàn bộ giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên, các giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đảy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo nữ hộ sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo, nâng cao khả năng nghiên cứu học tập cho sinh viên, xây dựng kế hoạch đoà tạo cụ thể công khai và những cam kết với người học sau khi ra trường, Người Hộ sinh (Điều dưỡng Sản phụ khoa) trình độ cao đẳng có khả năng lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, giáo dục truyền thông về sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình cho phụ nữ và cộng đồng; có đạo đức nghề nghiệp, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả để nâng cao khả năng hợp tác với các nhân viên y tế, với người bệnh và cộng đồng và khả năng học tập suốt đời.
Việc chọn lựa chuyên ngành sản khoa sẽ là vất vả, và cũng gặp nhiều rủi ro nghề nghiệp hơn so với những y tá hay điều dưỡng trong cùng nơi công tác. Tuy vậy những chính sách của Đảng và Nhà nước cũng rất ưu ái cho nữ hộ sinh, mặt bằng trung họ có tổng thu cao hơn so với những y tá lĩnh vực khác. Họ vinh hạnh là người đầu tiên chào đón những sinh linh nhỏ bé, đó là những “chồi non”, là sinh khí của xã hội, là vận mệnh của đất nước trong tương lai. Những ai đã từng chăm sóc người nhà nằm viện điều trị mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn vất vả của người hộ sinh nói riêng, nhân viên y tế nói chung. Khi đêm đến, khi mọi người đã yên giấc ngủ, thì họ vẫn miệt mài cần mẫn làm việc để canh từng giấc ngủ cho bệnh nhân và thực hiện các công việc chuyên môn của mình.

Số lượt đọc:  20419  -  Cập nhật lần cuối:  12/12/2016 07:56:41 AM
Hoạt động của Bệnh viện
Không tìm thấy bài viết nào!
Khoa học và đào tạo
Không tìm thấy bài viết nào!
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 5.136.156
Số lượt truy cập trong tháng: 5.136.156
Số lượt truy cập tháng trước:
Tổng số thành viên: 6.179
Số người trực tuyến: 1.519
Hiển thị ngày giờ