HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Các bệnh thường gặp

Bệnh tăng huyết áp dự phòng và điều trị

Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng, và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2000, toàn thể giới có tới 972 triệu người bị THA, ước tính đến năm 2025 là vào khoảng 1,56 tỷ người.THA nguy hiểm ở chỗ nó thường diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế.

Thế nào là Huyết áp bình thường và bị Tăng huyết áp?

Huyết áp được hiểu nôm na là áp lực của dòng máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo bởi là do sức co bóp hút - đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp còn bị chi phối nhiều bởi nhịp tim, các yếu tố gây co mạch, thể tích tuần hoàn Huyết áp có hai trị số, ví dụ: 120/70 mmHg. 120 gọi là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) phản ánh huyết áp của động mạch khi tim bóp. 70 gọi là huyết áp tối thiểu (hay huyết áp tâm trương) phản ánh huyết ápkhi tim giãn ra trong một chu kỳ co bóp của quả tim. Bình thường, huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg.

Khi huyết áp từ 120- 139/80-89 được coi là “huyết áp bình thường - cao”. Nếu bạn là người lớn và huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị tăng huyết áp (THA). Nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, con số huyết áp của bạn tốt nhất là dưới 130/80 mmHg. Nếu huyết áp của bạn cao hơn ngưỡng này, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị. Cần phải đo huyết áp vài lần trong một khoảng thời gian trước khi khẳng định bạn bị tăng huyết áp

Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp?

Khoảng 90-95 % các trường hợp bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân trực tiếp (hay còn gọi là tăng huyết áp tiên phát). Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp. Chúng được gọi là yếu tố nguy cơ.

+ Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được:

• Thừa cân và Béo phì: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.

• Ăn nhiều muối: làm tăng huyết áp ở một số người.

• Hút thuốc lá gây co mạch và tăng xơ vữa mạch.

• Rượu: uống rượu nặng và thường xuyên có thể gây THA đột ngột.

• Thiếu vận động: một cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân và làm tăng nguy cơ bị THA.

• Stress: nó được đề cập đến như một yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, mức độ stress rất khó đánh giá và thay đổi theo từng người.

+ Yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được:

• Chủng tộc: Ví dụ: người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tăng huyết áp hơn người Capcasians, và có xu hướng tăng huyết áp sớm hơn và nặng hơn.

• Di truyền: tăng huyết áp có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹ hoặc những người thân của bạn bị tăng huyết áp, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.

• Tuổi: Nhìn chung, tuổi càng cao bạn càng dễ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường xảy ra ở người trên 35 tuổi. Đàn ông thường bắt đầu bị tăng huyết áp từ 35-50. Phụ nữ có thể bị tăng huyết áp sau mãn kinh. Có khoảng < 10% số người bị tăng huyết áp là do một bệnh hoặc yếu tố nào nào đó gây ra. Đây gọi là THA thứ phát, hay THA có căn nguyên. Khi bạn bị THA xuất hiện sớm (khi còn trẻ) hoặc THA rất khó khống chế thì cần tìm hiểu kỹ xem có nguyên nhân nào không. Những nguyên nhân gây THA thứ phát thường gặp là:

• Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp; Viêm cầu thận mạn tính; Sỏi thận, niệu quản; Hẹp động mạch thận…

• Các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp; cường tuyến yên; bệnh u tế bào ưa crom (u tủy thượng thận); u vỏ thượng thận…

• Các bệnh lý mạch máu và tim: Hở van động mạch chủ; hẹp eo động mạch chủ; bệnh Takayasu…

• Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén.

• Tăng huyết áp do dùng một số thuốc: thuốc chữa ngạt mũi, chữa hen; thuốc tránh thai; thuốc đông y như cam thảo…

• Tăng huyết áp do yếu tố tâm thần: lo lắng, sợ sệt quá mức…

Tăng huyết áp có nguy hiểm không? Tại sao?Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì. Rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do THA gây ra rồi mới biết mình bị THA. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế có thể đo huyết áp cho bạn. THA làm tăng gánh nặng cho tim và hệ thống động mạch. THA gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch chủ. THA còn có thể làm tổn thương thận và mắt. Các nghiên cứu cho thấy: người bị tăng huyết áp không được kiểm soát thì nguy cơ: Bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần; Suy tim tăng 6 lần; Đột quỵ tăng 7 lần… Các biến chứng gây ra THA có thể cấp tính, có thể âm thầm và do vậy không những nguy hiểm đe dọa tính mạng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bạn.

Ngăn ngừa nguy cơ bị THA và các biến chứng khi bị THA như thế nào?

THA rất nguy hiểm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được một cách có hiệu quả. Hãy chung sống hòa bình với THA, và khống chế tốt nó để chúng ta có cuộc sống bình thường.

Việc điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài và tổng thể dựa trên sự kết hợp giữa nhiều chế độ: giảm cân, chế độ ăn, tập luyện hợp lý và thuốc.

Chế độ ăn uống cho người tăng huyết ápSự chú trọng trong chế độ dinh dưỡng của người tăng huyết áp sẽ tác động rất lớn tới việc phòng tránh bệnh. Chế độ ăn uống khoa học, phù hợp chính là “liều thuốc quý” giúp nhanh chóng cải thiện chứng tăng huyết áp. Sau đây là những loại thực phẩm nên và không nên thu nạp khi bị mắc chứng tăng huyết áp:

• Tăng khẩu phần: hoa quả, rau, các loại ngũ cốc và gạo chế biến thô, thực phẩm nhiều xơ, thức ăn không có mỡ và rất ít mỡ, thịt gia cầm không da, thịt nạc, ăn cá (nhất là loại có nhiều Omega 3 như cá hồi, cá trích...) ít nhất 2 lần/tuần. Nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều kali

chuối, khoai tây, bơ, nước ép cà chua, nước bưởi. Những loại thực phẩm này rất tốt cho bệnh nhân cao huyết áp, giúp họ có thể duy trì huyết áp ở mức ổn định.

• Giảm tối đa: muối (ăn mặn), muối hiện được coi là một trong những nguy cơ quan trọng của THA; chất béo bão hòa hoặc transfats (mỡ động vật, phủ tạng động vật, thực phẩm ăn sẵn chiên rán....), tránh ăn thực phẩm có chứa nhiều natri như muối, thịt hộp, snack mặn, bơ và các loại thực phẩm đóng hộp khác.Hãy thay thế việc thu nạp muối hay các thực phẩm có chứa nhiều natri vào cơ thể bằng những thực phẩm có chứa nhiều canxi và kẽm để giúp hạ thấp áp lực của máu (thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa ít béo, đậu xanh, cá hồi cả xương, súp lơ, rau bina, đậu phụ..; thực phẩm chứa nhiều kẽm: các loại đậu, hạt như hướng dương, hạt vừng, lạc.)

Hạn chế “nạp” những chất béo no hay còn gọi là chất béo bão hòa chính là thủ phạm làm tăng thêm lipo-proteins (LDL) gây ảnh hưởng xấu đến động mạch vành,chứng tăng huyết áp, dễ dẫn đến chứng xơ vữa động mạchĐặc biệt cắt giảm chất béo, giảm cân nếu bạn thuộc nhóm đối tượng thừa cân và béo phì.- Hạn chế: thêm đường ngọt.

Giảm cân nặng:

Rất nhiều người tăng huyết áp bị thừa cân. Thường khi giảm cân, huyết áp của bạn sẽ có thể giảm xuống theo một cách đáng kể. Bên cạnh đó, thừa cân còn là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Chế độ tập luyện:

Tập luyện thể lực là một phần không thể thiếu được của chương trình điều trị hàng ngày. Tập thể dục giúp giảm huyết áp và giảm cân nặng hoặc giữ cho cơ thể ở mức cân nặng lý tưởng. Chế độ tập luyện tối ưu là tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần, cường độ tập đủ mạnh (bác sỹ có thể gợi ý phương pháp tốt nhất để luyện tập đối với bạn nếu bạn có vấn đề tim mạch)…

Bỏ hút thuốc lá ngay: Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy rõ nguy cơ của hút thuốc lá với THA và các biến cố tim mạch, người THA mà hút thuốc lá sẽ làm nguy cơ tim mạch tăng gấp nhiều lần. Việc bỏ hút thuốc lá cũng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân THA.

Hạn chế uống rượu quá mức:

Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ béo phì, THA khó kiểm soát, tăng nguy cơ tai biến mạch não. Lượng rượu được khuyến cáo uống tối đa hàng ngày quy đổi tương đương 142 ml rượu vang đỏ; 341 ml bia; 43 ml rượu mạnh đối với người phương Tây, người châu Á có thể lượng thấp hơn.

Hãy kiểm soát tốt những căng thẳng: Căng thẳng kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm gây tăng tiết các chất adrenalin và làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân THA và làm tăng tần số các cơn THA. Hãy thu xếp công việc, cuộc sống ở mức cân bằng nhất, tham gia tập luyện, thư giãn để tránh khỏi những căng thẳng gặp phải.

Thuốc: Khi huyết áp tăng trên giới hạn cho phép hoặc khi có những nguy cơ đi kèm thì thầy thuốc sẽ cho thuốc để làm giảm huyết áp. Hiện nay, có nhiều loại thuốc hạ huyết áp với hiệu quả tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn. Vấn đề đặt ra là phải nắm rõ việc điều trị THA là để ngăn ngừa các biến chứng lâu dài và việc uống thuốc, do vậy cũng phải kiên trì lâu dài theo chỉ định của thầy thuốc. Có nhiều loại thuốc chữa huyết áp khác nhau với các cơ chế như làm giảm dịch và muối, hoặc làm giãn mạch, một số khác ngăn cản sự co mạch và làm hẹp lòng mạch, từ đó làm giảm huyết áp. Thuốc có tác dụng làm giảm huyết áp trong hầu hết các trường hợp nhưng tác dụng hạ huyết áp lại rất khác nhau tùy từng cơ thể. Do vậy, có thể phải cần một giai đoạn dùng thử trước khi tìm ra được một thuốc tốt nhất. Tùy thuộc vào việc đánh giá toàn trạng, các bệnh lý đi kèm cũng như những ảnh hưởng (đã có) do THA gây ra mà bác sỹ sẽ kê loại thuốc nào là phù hợp nhất.

Một số thuốc được ưu tiên lựa chọn là: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm. Hiện nay, các bác sỹ có xu hướng kê đơn phối hợp thuốc ngay từ đầu để khống chế tốt hơn huyết áp cho bạn nếu huyết áp ở mức khá cao hoặc có nhiều nguy cơ đi kèm.

Các thuốc hạ huyết áp chỉ có tác dụng khi dùng thuốc và sẽ hết khi ngừng. Do vậy, không được ngừng thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm bình thường. Điều trị cần phải được duy trì lâu dài để đạt được tác dụng tốt, tránh được các biến chứng. Không nên lo lắng nếu phải dùng thuốc lâu dài, vì với liều điều trị, thuốc hạ áp sẽ giữ cho huyết áp ổn định và thường không làm huyết áp bị tụt thấp đến mức nguy hiểm. Nếu đang điều trị với bất kì thuốc nào, liều lượng cần phải được lưu ý cẩn thận. Cần khám bác sỹ thường xuyên ít nhất cho đến khi huyết áp được điều khiển. Sau đó cần đi khám 3-4 lần trong một năm. Cũng như tất cả các thuốc điều trị, thuốc hạ huyết áp cũng có thể có tác dụng phụ. Tuy vậy, đa số thuốc hạ huyết áp nếu dùng đúng chỉ định là khá an toàn và các tác dụng phụ là ít.

Việc nên làm khi bị THA?

Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công tăng huyết áp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và bệnh nhân.

Tuân thủ điều trị

• Khám bệnh theo đúng hẹn của bác sỹ.

• Uống thuốc đúng theo đơn, báo với bác sỹ những bất thường bạn gặp phải để bác sỹ kịp thời chỉnh lại chế độ điều trị.

• Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, chế độ tập luyện và thay đổi lối sống.

• Kiên trì theo đuổi điều trị

Một số điểm lưu ý

• Hãy biết con số huyết áp của bản thân và các nguy cơ tim mạch đi kèm.

• Tăng huyết áp gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

• Kiểm soát tốt huyết áp giúp hạn chế đáng kể các biến chứng.

• Luôn luôn tôn trọng chế độ tập luyện, ăn uống khoa học cũng như thay đổi lối sống.

• Điều trị THA là nhằm giảm các biến chứng của THA chứ không phải chỉ là để hạ huyết áp đơn thuần.

• Huyết áp thường không thể khỏi hoàn toàn, nên quá trình điều trị là lâu dài và có thể kéo dài đến suốt đời. Do vậy cần phải kiên trì và tuân thủ chế độ điều trị. Tuyệt đối không được sử dụng những biện pháp chưa có cơ sở khoa học để điều trị và lầm tưởng là khỏi bệnh để không tiếp tục dùng thuốc.

• Việc dùng thuốc rất tùy thuộc vào từng cơ thể nên cần phải được sự chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc.

• Việc hạ huyết áp đến mức nào là do bác sỹ quyết định. Thông thường thì nên dưới 140/90 mmHg. Trong trường hợp bạn đã có biến chứng tim mạch, đái tháo đường hoặc suy thận thì cần hạ thấp hơn nữa dưới 130/80 mmHg.

Số lượt đọc:  20238  -  Cập nhật lần cuối:  12/12/2016 07:34:48 AM
Khoa học và đào tạo
Không tìm thấy bài viết nào!
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 8.189.945
Số lượt truy cập trong tháng: 8.189.945
Số lượt truy cập tháng trước:
Tổng số thành viên: 6.016
Số người trực tuyến: 400
Hiển thị ngày giờ