Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là một chuyên ngành dùng các phương pháp tạo hình ảnh khác nhau để chẩn đoán bệnh bao gồm: kỹ thuật xquang chẩn đoán, siêu âm chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, xquang mạch máu và can thiệp. Siêu âm là kỹ thuật thăm khám đầu tay của các nhà chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm Doppler cho phép đo được tốc độ dòng chảy trong mạch máu và buồng tim, được áp dụng rộng rãi để phát hiện các bệnh hẹp, tắc và dị dạng mạch máu ngoại biên và các tạng. Siêu âm 3D, 4D được ứng dụng rộng rãi trong sản khoa để nghiên cứu phát hiện sớm các dị tật thai nhi như dị tật đầu mặt, sọ não, cột sống, tim. Ngoài ra siêu âm 3D, 4D còn được ứng dụng trong nghiên cứu các khối u, đặc biệt là u tuyến giáp, tuyến vú.
Hình ảnh siêu âm 3D thai 15 tuần
Máy chụp cắt lớp vi tính đa dẫy (MutiSection Computed Tomography- MSCT). Với máy thế hệ mới nhất này, trong một vòng quay của bóng có thể cắt tới 128 lát cắt. MSCT ứng dụng chủ yếu trong thăm khám tim và mạch máu, trong đó có động mạch vành, kiểm tra các bất thường về giải phẫu động mạch vành, các cầu nối mạch vành, thăm dò hoạt động các buồng tim, đánh giá tình trạng vôi hoá động mạch vành, các mạch máu phổi, ngoài ra MSCT giúp đánh giá tình trạng tưới máu cơ tim trong bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. MSCT còn đánh giá bệnh lý động mạch như phình, bóc tách động mạch chủ, động mạch đùi, động mạch chậu rất chính xác. Kiểm tra sau phẫu thuật, sau đặt Stent động mạch cũng nhờ vào MSCT.
Hình hẹp động mạch vành trên MSCT
Kỹ thuật tạo ảnh bằng cộng hưởng từ (CHT) là phương pháp không xâm hại, không dùng bức xạ Ion hoá, phương pháp này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thăm dò các tạng. Những ứng dụng đầu tiên cho bệnh lý sọ não. Ngày nay CHT được chỉ định rộng rãi hơn, trong tất cả các cơ quan như tim mạch, ổ bụng, đường mật- túi mật, phổi và trung thất. CHT được ứng dụng nhiều nhất trong bệnh lý thần kinh. Ứng dụng thứ hai của cộng hưởng từ về bệnh lý xương, cơ, khớp. Nó khắc phục được những điểm hạn chế của CLVT và CHT cho nhiều thông tin chẩn đoán về bệnh lý cơ, dây chằng, sụn, khớp.
Điện quang can thiệp là tất cả các thủ thuật không phải phẫu thuật với mục đích chẩn đoán hay điều trị qua đường nội mạch hoặc qua da. Điện quang can thiệp đã thay thế nhiều cho phẫu thuật trước đây như phình mạch não ở động mạch thân nền, thông động - tĩnh mạch cảnh xoang hang, thông động - tĩnh mạch mắt. Mục đích thứ nhất của kỹ thuật này là tái lập dòng chảy động mạch hay tĩnh mạch. Nong mạch bằng bóng Balon, bằng laser hay tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học, đặt giá đỡ lòng mạch như Stent, làm tiêu cục máu đông trong lòng mạch. Nong mạch được thực hiện cho các mạch máu từ ngoại vi (mạch chi), động mạch tạng (động mạch thận, động mạch mạc treo ..) đến mạch não trong sọ. Mục đích thứ hai của can thiệp nội mạch là làm ngừng dòng chảy động mạch hay tĩnh mạch. Kỹ thuật nút mạch điều trị được sử dụng nhiều nhất trong can thiệp thần kinh như nút mạch trước mổ u màng não, nút mạch các u cuộn cảnh, u cột sống, điều trị chảy máu mũi do u xơ vòm mũi họng, u xơ tử cung. Điều trị thông động - tĩnh mạch cảnh xoang hang. Nút mạch có thể là phương pháp điều trị tiền phẫu hay phối hợp với Gamma knife. Ngày nay với các vật liệu nút mạch mới như Onyx thì tỷ lệ nút khỏi hoàn toàn tăng cao hơn. Nút mạch có thể là phương pháp điều trị tiền phẫu hay phối hợp với xạ trị định vị nổi.
Trước nút khối dị dạng mạch từ động mạch cảnh ngoài Sau nút khối dị dạng mạch từ động mạch cảnh ngoài
Điện quang can thiệp trong bệnh lý gan và đường mật, đó là phương pháp hoá dầu động mạch gan (TOCE). Mục đích của kỹ thuật là dùng Lipiodol (một chất có ái lực với tế bào ung thư gan) trộn với hoá chất chống ung thư tạo thành huyền dịch rồi bơm vào động mạch gan, hoá chất sẽ đọng lại lâu trong tổ chức ung thư cùng với tác dụng tắc mạch của Lipiodol gây hoại tử u và kìm hãm sự phát triển của khối u. Nhưng kỹ thuật này cũng có một số chống chỉ định như suy gan, tắc tĩnh mạch cửa.
Khối ung thư gan có tăng sinh mạch ảnh trước nút mạch
Khối ung thư gan sau mất khối tăng sinh mạch. Ảnh sau nút mạch
Tóm lại có rất nhiều phương tiện hình ảnh hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị. Để bệnh nhân được hưởng lợi từ những tiến bộ của y học nói chung và lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh nói riêng thì việc sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào còn phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, trang thiết bị của cơ sở điều trị và điều đặc biệt là con người (bác sỹ, kỹ thuật viên, kỹ sư) ứng dụng, sử dụng trang thiết bị đó trong việc chẩn đoán, điều trị và phụ hồi chức năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.